Đâu là tương lai của Thị trường lao động dưới sự phát triển bùng nổ của AI ?

Trong thời đại ngày nay, Trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển và dần thay thế con người. Vậy đâu là tương lai cho người lao động?

AI

1950 – 1956: Sự ra đời của khái niệm “Trí tuệ nhân tạo”

Khởi nguồn của AI – “nỗi lo” của con người bắt đầu từ những năm 1950. Trước đó, Alan Turing, Allen Newell, Herbert A. Simon và Marvin Minsky đã có những bài báo cũng như chương trình dựa trên nghiên cứu về máy móc. Dựa vào đó, nhà khoa học máy tính John McCarthy đã bắt đầu phát triển trí tuệ nhân tạo dựa trên gợi ý Alan về khả năng của máy móc trong việc sử dụng thông tin sẵn có và tư duy lý trí để đưa ra quyết định giống con người. 

Sau quá trình nghiên cứu thì đến năm 1956, McCarthy đã đưa khái niệm “Trí tuệ nhân tạo”  xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng tại Hội nghị Dartmouth và mở ra kỷ nguyên của AI.

1974 – 1980 và 1987 – 1993: Mùa đông AI

Tưởng chừng như sự phát triển của trí tuệ nhân tạo sẽ diễn ra một cách thuận lợi, thế nhưng, nó lại gặp rất nhiều khó khăn. “Mùa đông AI” chính là một thuật ngữ thể hiện sự cắt giảm nguồn tài trợ từ các nhà đầu tư cho những công trình nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo do sự chậm chạp trong tiến độ. Với một lĩnh vực mới trong thời đại như vậy, việc chậm chạp trong nghiên cứu là một điều không thể tránh khỏi, chính vì vậy mà sự phát triển trí tuệ nhân tạo đã bị cắt giảm đến hai lần trong những năm của thế kỷ XX vì chi phí cao nhưng lại mất nhiều thời gian để gặt hái hiệu quả.

2000’s: Kỷ nguyên thịnh vượng của AI

Dẫu trải qua nhiều khó khăn song đến đầu thế kỷ XXI, công trình nghiên cứu AI bắt đầu gặt hái được những thành quả sau hai “mùa đông” khắc nghiệt. Mở đầu là sự khai sinh của robot ASIMO đến từ Honda vào năm 2000. 

Từ năm 2004 – 2016, nối gót của Honda, các công ty lớn như Facebook, Twitter và Netflix bắt đầu sử dụng AI để tối ưu hóa trải nghiệm của người dùng. Năm 2011, Apple tích hợp Siri, một trợ lý ảo thông mình vào dòng điện thoại Iphone 4S và năm 2014, Amazon cũng cho ra đời một trợ lý tương tự với tên gọi là Alexa nhằm giúp khách hàng có trải nghiệm mua sắm thuận lợi.

Đặc biệt, vào năm 2016, Hansen Robotics Technology đã cho ra đời “công dân robot” đầu tiên Sophia có khả năng giao tiếp, biểu lộ cảm xúc cũng như học hỏi y hệt con người.  Thế nhưng, tại một cuộc họp báo do David Hanson – người sáng tạo ra Sophia – tổ chức vào tháng 3/2016, khi được hỏi: “Cô có muốn huỷ diệt loài người không?… Làm ơn nói không nhé!”, Sophia đã trả lời chắc nịch: “Được rồi, tôi sẽ huỷ diệt loài người.”. Câu trả lời này đã làm dấy lên những lo ngại rằng “Liệu lựa chọn phát triển trí tuệ nhân tạo có phải là lựa chọn đúng đắn?”

Tuy nhiên, bất chấp những điều đó, cho đến nay trí tuệ nhân tạo vẫn tiếp tục được nghiên cứu cũng như ứng dụng trong nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt, vào năm 2023, sự xuất hiện của ChatGPT đã thực sự dấy lên những lo ngại về một tương lai mà AI có thể thay thế hoàn toàn con người.

AI đang dần thay thế vị trí của con người? 

Nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking đã từng bộc lộ những lo ngại của ông về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo “Trí tuệ nhân tạo toàn diện đồng nghĩa với sự kết thúc của loài người. Máy móc có thể tự khởi động, tự thiết kế lại và tốc độ sẽ ngày càng nhanh. Con người bị giới hạn bởi quá trình tiến hóa sinh học lâu dài vốn không thể cạnh tranh với nó, cuối cùng sẽ bị thay thế.”. Quả thực vậy, Ben Goertzel – người sáng lập và hiện điều hành nhóm nghiên cứu SingularityNET nhận định AI sẽ thay thế 80% các vị trí công việc của người lao động.

Trong thực tế, không ít những doanh nghiệp đang dần ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động kinh doanh của mình. Starbucks đã cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng bằng cách phát triển một ứng dụng mang tên My Starbucks Barista cho phép khách hàng đặt hàng và thanh toán online thông qua một barista ảo thay vì đến các cửa hàng gần đó để xếp hàng. Barista này sẽ ghi nhớ lựa chọn từ lịch sử mua hàng, phân tích và sẽ đề xuất những sản phẩm phù hợp cũng như các chương trình ưu đãi phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Không chỉ Starbucks, ứng dụng nghe nhạc trực tuyến Spotify cũng đang thực hiện nhiệm vụ tương tự khi dựa trên những tìm kiếm cũng như những bản nhạc mà người dùng thường xuyên nghe để tạo ra những album phù hợp với sở thích của người nghe. 

Starbuck barista

Như vậy, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, các nhà máy có thể tận dụng robot, công nghệ để tối ưu hoá năng suất lao động thay vì thuê nhân công bên ngoài. Hơn thế nữa, nó có thể thay thế các kỹ sư công nghệ nhờ khả năng viết những đoạn mã phức tạp một cách chính xác và nhanh chóng. Rõ ràng nhất là trong lĩnh vực truyền thông, sự ra đời của ChatGPT khiến việc sáng tạo nội dung trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Thậm chí, các ngành nghề liên quan đến pháp lý hay giáo dục hoàn toàn có thể bị thay thế bởi AI.

Đâu là tương lai của người lao động dưới sự phát triển của AI?

Trí tuệ nhân tạo đã thực sự dấy lên những lo ngại trên thị trường lao động khi nó có thể gây nên tình trạng thất nghiệp diện rộng. Tuy nhiên, trái ngược với những quan ngại ấy, nhiều chuyên gia cho rằng AI không thể thay thế vị trí của con người và trí tuệ nhân tạo trở nên tốt hay xấu phụ thuộc vào góc nhìn cũng như sự vận dụng của con người. 

Sở dĩ, AI không thế thay thế con người bởi lẽ nó được tạo ra bởi con người. Những thông tin rộng lớn trong “bộ não” của nó đều được đúc kết dựa trên tri thức do con người cung cấp, nó chỉ có thể đưa ra quyết định hay câu trả lời dựa trên thông tin có sẵn thay vì tạo ra những cái mới. Hơn nữa, những thông tin AI nhận được cũng cần kiểm tra tính chính xác bởi lẽ nó không có nhận thức như con người. Thậm chí, chúng cũng chẳng có EQ hay kinh nghiệm thực tế như con người để thích ứng với thị trường lao động thiên biến vạn hoá. 

Điều ta cần cạnh tranh không phải là AI mà là những người biết sử dụng chúng để làm công cụ bổ trợ. Suy cho cùng, trí tuệ nhân tạo được khai sinh ra để phục vụ con người, vì thế hãy sử dụng chúng như công cụ để hỗ trợ đem lại lợi nhuận và cơ hội thăng tiến cho bản thân.

Nếu bạn còn lo ngại về sự phát triển này của AI, bạn có thể tham khảo bài viết sau để tìm ra xu hướng cũng như những việc làm không có sự can thiệp của máy móc

>> 4 trang web thông tin sinh viên không thể bỏ lỡ

>> Trí tuệ nhân tạo và xu thế thay đổi ngành nghề trong tương lai